NĂM TÂN SỬU, NGÀNH NÀO THỰC SỰ HƯỞNG LỢI?

Dù vẫn còn khó khăn do COVID-19 và yếu tố lây lan tại khu vực có khu công nghiệp, song doanh nghiệp các ngành xuất khẩu vẫn được đánh giá là điểm sáng tích cực và hưởng lợi lớn năm nay…
Năm Tân Sửu 2021, bối cảnh vĩ mô hiện tại được cho là rất thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy cho thị trường chứng khoán hứa hẹn sẽ có một năm thăng hoa với những ngành hàng cụ thể.

 

Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang là một trong những điểm sáng của 2020-2021. (Ảnh: Sản xuất tại Gỗ Đức Thành)

Nhiều lực đẩy cho xuất khẩu

Yếu tố tác động trực tiếp và đầu tiên phải kể đến đó chính là mặt bằng lãi suất ở mức rất thấp, thấp nhất trong một thập kỷ qua. Chu kỳ tiền rẻ được dự báo sẽ tiếp diễn hết 2021 sang đầu 2022, kéo theo đó các tài sản rủi ro như chứng khoán sẽ thu hút thêm nhiều dòng tiền để thiết lập các đỉnh cao mới.

Bên cạnh đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi. Chính phủ đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% trong 2021, trên cơ sở hiệu quả từ các biện pháp dập dịch quyết liệt trong cả năm 2020 đã giúp Việt Nam hiện đang là một trong số rất ít các quốc gia, những “thành trì cuối cùng” giữ được nền tiêu dùng và sản xuất còn tương đối nguyên vẹn. Tăng trưởng GDP sẽ đến từ hai yếu tố, đó là nền kinh tế mở, với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội có lợi thế cạnh tranh, tăng cường xuất khẩu.

Trên các thông tin nền, nhà đầu tư có thể tìm ra các cổ phiếu, các doanh nghiệp xứng đáng để đầu tư theo các yếu tố trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng GDP, hình thành chiến lược đầu tư 2021 với các trọng tâm chính. Xuất khẩu là một trong những lĩnh vực trọng tâm có nhiều ngành hưởng lợi đó.

Gạo, gỗ, thủy sản… – Những điểm sáng

Với các doanh nghiệp xuất khẩu có thể mạnh được hưởng lợi trực tiếp từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, chúng ta có thể kể đến nhóm ngành đang có tăng trưởng xuất khẩu rất ấn tượng gần đây bất chấp đại dịch như ngành Gỗ, ngành Gạo, ngành Thuỷ sản …

 

Kim ngạch xuất khẩu gỗ đang chinh phục các mục tiêu tham vọng của Việt Nam. Tuy nhiên cần lưu ý rằng kim ngạch lớn, song tỷ trọng doanh nghiệp nội trong ngành gỗ và các sản phẩm gỗ rất thấp

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 11 năm 2020 ước đạt 1,1 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng năm 2020 đạt 10,88 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Đây là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 1 tỷ USD mỗi tháng và tăng so với cùng kỳ bất chấp dịch Covid-19, trước đó, xuất khẩu gỗ tháng 7 ghi nhận giá trị đạt 1,128 tỉ USD, tháng 8 đạt 1,149 tỷ USD, tháng 9 đạt 1,15 tỷ USD và tháng 10 đạt trị giá 1,28 tỷ USD. Cập nhật đến cuối 2020, ngành xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã hoàn tất mục tiêu 12,5 tỷ USD.

Năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với kế hoạch từ 14 – 14,5 tỷ USD, và đạt 18 – 20 tỷ USD vào năm 2025, đưa ngành phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành một mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu.

Các doanh nghiệp đầu ngành gỗ xuất khẩu có thể kể đến CTCP Phú Tài (HoSE: PTB), CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT), CTCP Sản xuất và Thương mại Nam Hoa (UpCOM: NHT, … đều đang có những tín hiệu tăng trưởng hết sức tích cực.